Trong đại dịch, doanh số bán sách của nhiều nhà xuất bản sụt giảm vì phải đóng cửa nhiều hiệu sách, nhưng số lượng sách phát hành qua các kênh điện tử lại tăng lên. Và không chỉ trong đại dịch, xu hướng tự xuất bản sách đang ngày càng nở rộ….

Ngay cả trước đại dịch Covid-19, nhiều thay đổi đã xảy ra trong ngành xuất bản sách. Một số tác giả chỉ trích tình trạng các nhà văn bình thường, mới vào nghề khó có thể xuất bản và kiếm sống vì một số ít các tác giả đình đám luôn chiếm lĩnh thị trường và được các nhà xuất bản ưu ái.

Thành công rực rỡ của “50 sắc thái”

50 Shades of Grey – hay chính là 50 sắc thái – lần đầu tiên được tự xuất bản dưới dạng tiểu thuyết của người hâm mộ và sau đó được một nhà xuất bản lớn chọn mua. Thành công rực rỡ này của 50 sắc thái là một yếu tố thay đổi cuộc chơi xuất bản, khi nổ ra các cuộc thảo luận về những thể loại văn học được cho là không có khả năng tạo ra một lượng lớn khán giả, nhưng thực tế khi cuốn sách đến được với độc giả dưới dạng tự xuất bản, đã được đón nhận nhiệt liệt. Chính vì vậy, câu chuyện về 50 sắc thái cũng tạo ra các cuộc tranh luận về tương lai của xuất bản độc lập – hay xu hướng tự xuất bản – nói chung.

50 Shades of Grey – hay chính là 50 sắc thái – lần đầu tiên được tự xuất bản dưới dạng tiểu thuyết của người hâm mộ và sau đó được một nhà xuất bản lớn chọn mua

Lần đầu tiên tác giả E.L. James đã được đề nghị trả tới 5 triệu USD cho bản quyền bộ phim đối với cuốn tiểu thuyết tự xuất bản của bà, Fifty Shades of Grey. James, một cựu giám đốc điều hành truyền hình có trụ sở tại London, đã xuất bản phần đầu tiên của bộ ba phim Fifty Shades dưới dạng sách điện tử. Cuốn sách không hề được phân phối bởi một nhà xuất bản truyền thống nào ở Mỹ, bộ truyện đã được chú ý thông qua truyền miệng và Facebook. James sau đó đã ký một hợp đồng sách trị giá bảy con số với Vintage. Chẳng bao lâu, Fifty Shades of Grey đã lọt vào danh sách sách điện tử của New York Times và trở thành một trong các cuốn sách bán chạy nhất.

Trong bối cảnh ngành xuất bản đang chuyển mình, một số tác giả thực sự cảm thấy sự thôi thúc thử nghiệm cách truyền tải tác phẩm của mình đến độc giả, bao gồm các hình thức sản xuất sách mới lạ, độc lập với những “người gác cổng” xuất bản truyền thống – chính là các nhà xuất bản truyền thống.

Sách tự xuất bản tăng cao trong đại dịch COVID-19

Trong thời gian đại dịch, phải sống và sinh hoạt trong các biện pháp kiểm soát đại dịch, thời gian ở nhà nhiều, một số người đã dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc sách. Nhưng ai được lợi từ xu hướng đọc sách tăng lên rõ rệt? Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos đã có giá trị tài sản ròng của mình tăng gấp đôi lên hơn 200 tỷ USD trong năm 2020. Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ sách nổi tiếng phải đóng cửa các hiệu sách trên khắp đất nước.

Trong bối cảnh này, xu hướng tự xuất bản sách trên các nền tảng điện tử càng có sân chơi nở rộ. Trước nay, việc tự xuất bản một cuốn sách đôi khi gặp phải những kỳ thị, rằng cuốn sách đó đã từng bị các nhà xuất bản truyền thống từ chối, vì thế mới phải … tự xuất bản. Hơn nữa, sách tự xuất bản có khả năng thiếu sự kiểm soát và chỉnh sửa chất lượng của các nhà xuất bản truyền thống. Tuy nhiên, điều đó ngày càng bị lu mờ khi xu hướng tự xuất bản lên ngôi và được độc giả đón nhận. Thậm chí, một số “nhà tự xuất bản” hiện cũng thuê cả biên tập viên để kiểm soát lỗi, chất lượng của cuốn sách.

Ngoài ra, xu hướng tự xuất bản cũng ngày càng có nhiều động lực, giảm kỳ thị khi một số nhà văn bày tỏ rằng sự nghiệp của họ không nên bị các nhà xuất bản chính thống truyền thống sai khiến. Vì tất cả những lý do này, tự xuất bản đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với nhiều nhà văn. Tự xuất bản là việc các tác giả chịu toàn bộ trách nhiệm tài chính đối với các giai đoạn sản xuất, phân phối và tiếp thị của một dự án mà họ có thể thuê các cá nhân làm việc tự do.

Một số nền tảng tự xuất bản như Lulu và Smashwords đã báo cáo sự gia tăng doanh số bán các đầu sách tự xuất bản bắt đầu từ tháng 3/2020 khi chính sách phong tỏa vì COVID-19 bắt đầu. Một lý do góp phần gia tăng xu thế tự xuất bản là việc sản xuất sách điện tử. Trong thời gian dịch bệnh, nhiều người ở nhà và dành thời gian trên nền tảng tực tuyến, vì vậy họ dễ dàng mua sách điện tử. Kindle Direct Publishing của Amazon tự hào cho biết vào năm 2020, ở Ấn Độ, “hàng nghìn tác giả” đã tự xuất bản tác phẩm của họ trên nền tảng – với con số được báo cáo là gấp đôi số lượng tác giả so với năm trước.

Là một nhà văn tự xuất bản có nghĩa là tác giả kiểm soát thời điểm xuất bản sách và cung cấp cho độc giả. Ví dụ, một số sự kiện ra mắt sách mùa hè đã bị trì hoãn bởi đại dịch. Tuy nhiên, với các nền tảng hỗ trợ tự xuất bản, các tác giả tự xuất bản đã thu hút được khán giả, những người đang chờ đợi các bản phát hành mới trong thời kỳ phong tỏa vì dịch bệnh và bế tắc của lĩnh vực xuất bản.

Chặng đường 10 năm của của sách tự xuất bản

Trong 10 năm qua, xu hướng tự xuất bản đã tiếp tục phát triển, trở thành một ngành công nghiệp có tiềm năng nhờ áp dụng ebook và các công ty xuất bản trực tuyến. Tuy nhiên, rất khó theo dõi số lượng sách tự xuất bản thực tế vì một số nền tảng như Amazon hay những nền tảng tự xuất bản khác để dữ liệu ở chế độ riêng tư. Nhưng Bowker, một công ty cung cấp thông tin thư mục cho những người làm việc trong ngành xuất bản, đã báo cáo sự gia tăng các đầu sách tự xuất bản trong thập kỷ qua. Bowker cho biết có 148.424 bản in sách tự xuất bản và thêm 87.201 sách điện tử trong năm 2011. Chỉ sáu năm sau, vào năm 2017, theo hồ sơ của công ty, số lượng sách tự xuất bản là hơn một triệu. Con số tiếp tục tăng vào năm sau, với hơn 1,5 triệu cuốn sách tự xuất bản được đăng ký trong hệ thống của Bowker.

Theo Wikipedia, xu hướng tự xuất bản sách đã tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí là “tăng trưởng chóng mặt”. Số lượng sách tự xuất bản đã tăng gấp ba lần từ năm 2006 đến năm 2012. Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng sách được tự xuất bản nhiều hơn những sách được xuất bản theo cách truyền thống. Năm 2009, 76% tổng số sách được phát hành là tự xuất bản, trong khi các nhà xuất bản phải giảm số lượng sách họ sản xuất.

Trở lại năm 2008, có 85.468 đầu sách tự xuất bản. Kể từ đó, số sách tự xuất bản liên tục tăng lên. Đến vào năm 2011, số lượng sách tự xuất bản là 247.210; đến năm 2012 là 459.000; đến năm 2017 đã có 786.935 sách tự xuất bản.Trong khoảng thời gian sáu năm, tăng trưởng số sách tự xuất bản là 218%. Những con số này không tính các đầu sách được xuất bản bởi các nền tảng Kindle Direct Publishing của Amazon. Đây là những con số sách tự xuất bản trên toàn thế giới, nhưng những con số này cũng rất mạnh đối với các thị trường cụ thể. Ví dụ, ở Vương quốc Anh, độc giả đã mua 18 triệu cuốn sách tự xuất bản trong năm 2013, tăng 79% so với năm trước. Số lượng sách tự xuất bản trên các nền tảng cũng tăng cao, vào năm 2012, ¼ sách được bán bởi dịch vụ Kindle Kindle Direct Publishing của Amazon là sách tự xuất bản.

Những phát triển này chỉ ra rằng tự xuất bản chắc chắn có khả năng giành một vị trí lâu dài trong hệ sinh thái xuất bản. Các phương thức xuất bản mới này có thể trở nên hấp dẫn đối với các tác giả, những người có thể sản xuất tác phẩm của họ và cung cấp tác phẩm cho công chúng mà không cần bất kỳ “người gác cổng” nào.