KT Corp và VTVcab bắt tay phát triển âm nhạc trực tuyến
Mới đây, KT Corporation (KT Corp), tập đoàn viễn thông lớn nhất Hàn Quốc vừa qua đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) để hợp tác cùng phát triển nền tảng phát nhạc trực tuyến. Theo Yonhap News, VTVcab có trách nhiệm thiết kế một nền tảng phát nhạc trực tuyến, hợp tác phân phối các sản phẩm nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) và quản lý về vấn đề sở hữu trí tuệ. KT Corp tiến hành kế hoạch cung cấp các công nghệ quan trọng để phát triển dịch vụ như cá nhân hóa âm nhạc bằng trí tuệ nhân tạo.
Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác phát triển các nền tảng công nghệ cao như truyền hình giao thức Internet, dịch vụ viễn thông 5G, băng thông rộng công nghệ quang, trò chơi điện tử đám mây… Được thành lập từ năm 1981, KT Corp là tập đoàn viễn thông đầu tiên của Hàn Quốc và cũng là tập đoàn lớn thứ 9 tại Hàn Quốc. Tập đoàn đã góp công lớn trong việc thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế Hàn sang kỷ nguyên công nghệ thông tin. Bên cạnh dịch vụ viễn thông, KT Corp hoạt động tích cực trong các lĩnh vực về công nghệ khác như phân phối thiết bị di động thông minh, công nghệ 5G, nhà ở thông minh, năng lượng và dịch vụ vệ tinh. Mới đây, tập đoàn cũng công bố kế hoạch hợp tác với LG về việc thương mại hóa dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI). KT Corp hiện đang sở hữu nền tảng dịch vụ truyền thông Seezn, được tích hợp công nghệ AI nhận dạng nét mặt người xem để đưa ra đề xuất nội dung phù hợp.
Ngoài Việt Nam, KT Corp đã mở rộng hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới như Brunei, Mông Cổ, Nam Phi, Ba Lan, Mỹ, Thái Lan… Bình luận về quyết định đầu tư vào thị trường âm nhạc Việt Nam, lãnh đạo cấp cao của KT Corp cho biết, tập đoàn đang hướng tới chuyển đổi sang lĩnh vực kinh doanh nội dung số đa nền tảng. Việc hợp tác với VTVcab cho thấy sự công nhận về năng lực của KT Corp trên thị trường toàn cầu. Thị trường âm nhạc Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển, do đó việc dành sự quan tâm cho lĩnh vực này của VTVcab là một “quyết định kịp thời”. Việt Nam cũng đang trở thành một trong những thị trường giàu tiềm năng cho dòng nhạc K-pop cũng như các sản phẩm giải trí hướng tới đối tượng khán giả trẻ tuổi của Hàn Quốc.
Trước KT Corp, Spotify cũng đã cung cấp nền tảng nghe nhạc trực tuyến có thu phí vào thị trường Việt Nam cho thấy sức hút của dịch vụ âm nhạc trực tuyến tại thị trường này.
VTVCab và KT Corp ký thỏa thuận hợp tác chiến lược qua hình thức trực tuyến
Âm nhạc trực tuyến sẽ là “mỏ vàng” mới
Năm 2020, bất chấp những khó khăn do Covid-19, dịch vụ âm nhạc trực tuyến vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Theo IFPI (Liên đoàn ghi âm quốc tế), tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu, thị trường âm nhạc thu âm toàn cầu đã tăng trưởng 7,4% vào năm 2020, trong đó mảng âm nhạc trực tuyến (streaming) tăng trưởng mạnh nhất.
Đây là năm tăng trưởng thứ sáu liên tiếp của thị trường này. Số liệu tăng trưởng đã được IFPI chính thức công bố trong Báo cáo âm nhạc toàn cầu của IFPI. Với mức tăng trưởng này, tổng doanh thu của ngành âm nhạc thu âm toàn cầu năm 2020 là 21,6 tỷ USD.
Tính năng phát trực tuyến (streaming) là một trong những nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu, đặc biệt là doanh thu đăng ký trả phí để xem nhạc phát trực tuyến, với mức tăng 18,5%. Tính đến cuối năm 2020, đã có 443 triệu người dùng tài khoản đăng ký trả phí. Tổng số lượt phát trực tuyến (bao gồm cả đăng ký trả phí và có quảng cáo) đã tăng 19,9% và đạt 13,4 tỷ USD, tương đương 62,1% tổng doanh thu âm nhạc được ghi nhận trên toàn cầu.
Doanh thu phát nhạc trực tuyến tăng trưởng đã bù đắp cho những mảng đang sụt giảm khác của ngành âm nhạc như doanh thu từ việc bán các định dạng nhạc vật lý như băng đĩa, CD, đặc biệt là nguồn doanh thu đến từ quyền biểu diễn giảm 10,1% – phần lớn là do đại dịch COVID-19.
Trong đó thị trường Châu Á tăng trưởng nhanh nhất khi ngành công nghiệp âm nhạc của Châu Á tăng 9,5% trong năm 2020 và doanh thu kỹ thuật số lần đầu tiên vượt qua thị phần 50% trong tổng doanh thu của khu vực. Nếu loại trừ Nhật Bản, nơi có doanh thu sụt giảm 2,1%, châu Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất, với mức tăng trưởng đặc biệt là 29,9%.
Nghệ sĩ thu hàng trăm triệu USD từ bán gia tài âm nhạc cho các nền tảng trực tuyến
Âm nhạc trực tuyến cũng mang lại khoản doanh thu khổng lồ cho các nghệ sĩ khi họ bán bán quyền các ca khúc. Đầu năm 2021, những ngôi sao đình đám trong nền công nghiệp âm nhạc thế giới như Bob Dylan, Neil Young, Stevie Nicks, Shakira, Mick Fleetwood… đều đang tham gia vào làn sóng bán sạch gia tài âm nhạc của họ cho các đơn vị có đủ tiềm lực kinh tế.
Như trường hợp nam ca sĩ – nhạc sĩ Bob Dylan, ông đã bán bản quyền toàn bộ các ca khúc do ông sáng tác ra, với mức giá nằm trong khoảng từ 300 đến 400 triệu USD, cho tập đoàn Universal Music Publishing Group. Bob Dylan không phải nghệ sĩ đầu tiên và cũng sẽ không phải nghệ sĩ cuối cùng quyết định bán lại bản quyền loạt tác phẩm âm nhạc của mình trong năm 2021 này, thực tế, đang có khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quyết định bán một phần hoặc toàn bộ tác quyền tác phẩm của họ cho các tập đoàn kinh doanh âm nhạc.
Nam ca sĩ – nhạc sĩ Neil Young đã vừa bán lại tác quyền một nửa số tác phẩm mà ông sở hữu cho tập đoàn Hipgnosis Song Fund (Anh), thương vụ này ước tính đưa về cho Neil Young 150 triệu USD.
Nữ ca sĩ – nhạc sĩ Stevie Nicks của nhóm nhạc Fleetwood Mac đã bán 80% số lượng bản quyền ca khúc cho công ty Primary Wave với giá 100 triệu USD. Nhóm nhạc Imagine Dragons cũng bán bản quyền tác phẩm mà họ sở hữu để nhận về hơn 100 triệu USD từ công ty Concord Music Publishing.
Công ty Hipgnosis Songs Fund chuyên mua bản quyền tác phẩm âm nhạc của những nghệ sĩ nổi tiếng đã chi ra khoảng 670 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 tới tháng 9/2020 để có quyền sở hữu hơn 44.000 nhạc phẩm của các nghệ sĩ như Blondie, Rick James, Barry Manilow, Chrissie Hynde của nhóm The Pretenders…
Nữ ca sĩ – nhạc sĩ người Colombia – Shakira bán bản quyền của 145 ca khúc cho công ty Hipgnosis; nhạc sĩ người Anh Mick Fleetwood bán bản quyền của khoảng 300 ca khúc cho công ty BMG. Nữ ca sĩ huyền thoại Dolly Parton cũng lên tiếng chia sẻ về việc bà đang cân nhắc sẽ bán lại bản quyền của khoảng hơn 3.000 ca khúc do chính bà tự sáng tác.
Thói quen nghe nhạc trực tuyến của công chúng đã khiến giá trị ca khúc gia tăng theo nhiều cách thức mới. Ước tính giá trị mảng phát hành âm nhạc trực tuyến tại Mỹ đã lên tới 10,3 tỷ USD trong năm 2019.
Số lượng người lựa chọn cách nghe nhạc trực tuyến chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời đại công nghệ. Việc thống kê lượt nghe, lượt tải trên nền tảng trực tuyến lại dễ dàng và độ chính xác cao, khiến việc định giá ca khúc đơn giản hơn. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể dự đoán trước các khoản thu sẽ đạt được trong tương lai từ những nhạc phẩm mà họ sở hữu.
Hơn thế, âm nhạc không bị lạm phát, trượt giá. Việc nắm quyền sở hữu đối với loạt tác phẩm của một nhạc sĩ nổi tiếng đang là lựa chọn hấp dẫn giới đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Âm nhạc là một ngành công nghiệp luôn phát triển ngay cả khi người nghe nhạc đang buồn hay vui, đang kiếm được hay không.
Theo một chia sẻ mới đây từ Music Business Worldwide, thời của âm nhạc trực tuyến, phát trực tuyến (streaming) các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp sẽ có nguồn doanh thu đều đặn hàng tháng từ những tác phẩm biểu diễn hay sáng tác của họ. Chứ không chỉ phụ thuộc nguồn thu vào các hãng thu âm, hay các buổi biễu diễn như trước đây nữa.
Nam ca sĩ – nhạc sĩ Neil Young đã vừa bán lại tác quyền một nửa số tác phẩm mà ông sở hữu cho tập đoàn Hipgnosis Song Fund (Anh), thương vụ này ước tính đưa về cho Neil Young 150 triệu USD
Phản hồi gần đây