Đầu năm 2008, tôi nghỉ việc ở một doanh nghiệp nhà nước và nhận thấy cơ hội phát triển trong lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng cho ngành viễn thông là rất cao. Cùng với các đồng sáng lập, chúng tôi lập ra Thủ Đô Multimedia để tập trung vào mảng này.
Nhiều người nghĩ công ty truyền thông là làm dịch vụ liên quan tổ chức sự kiện nhưng chúng tôi nghĩ khác. Chúng tôi làm ra sản phẩm online trên di động như là trò chơi và ứng dụng, và mỗi sản phẩm đó sẽ có nhiều người dùng và lượng khách hàng của mỗi sản phẩm dịch vụ của chúng tôi chính là 1 kênh truyền thông để chúng tôi phát triển các dịch vụ tiếp theo.
Nhìn lại 11 năm qua, anh chia giai đoạn phát triển của công ty ra sao? Anh thấy giai đoạn nào là quan trọng nhất?
Tôi chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu khi công ty bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực giá trị gia tăng cho di động. Vào thời điểm hầu hết các công ty phát triển dịch vụ gia tăng qua tin nhắn SMS và đầu số thì Thủ Đô Multimedia chọn hướng đi cung cấp dịch vụ gia tăng trên Ứng dụng và Game cho điện thoại di động. Chúng tôi gọi đó là các dịch vụ Advance VAT (giá trị gia tăng tiến bộ). Nhờ vậy, người dùng không phải soạn tin nhắn hay nhớ cú pháp nhắn tin mỗi lần sử dụng dịch vụ, và thời gian đó Thủ Đô Multimedia là một trong số ít các doanh nghiệp có thành công lớn với cách đi này.
Giai đoạn 2, chúng tôi dừng các dịch vụ Advance VAT dù đang tăng trưởng về người dùng và doanh số để chuyển hướng hoàn toàn sang nghiên cứu, phát triển giải pháp cho lĩnh vực truyền hình OTT và IPTV.
Khi đang làm cái cũ, đủ tốt, đủ thân quen, phải bỏ nó đi sang làm cái mới đầy rẫy khó khăn, thậm chí ảnh hưởng tới doanh thu khiến nhiều thành viên băn khoăn có, phản đối có. Tuy nhiên, trải qua đến giờ, chúng tôi tự hào khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có thể phát triển toàn bộ giải pháp cho 1 đài truyền hình Internet, đầy đủ các ứng dụng trên tất cả các loại thiết bị: Mobile, Web, Smart box và Smart TV.
Thậm chí, chúng tôi đã đạt những thành tựu mang tầm thế giới khi giải pháp Sigma Multi-DRM được Cartesian kiểm định và công nhận là doanh nghiệp thứ 20 toàn cầu có phát minh trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền nội dung số. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo vệ nội dung số cho ngành truyền hình chỉ có 10 cái tên, trong đó có Thủ Đô Multimedia của Việt Nam.
Giai đoạn 3 từ đầu 2020, chúng tôi nghiên cứu những ứng dụng của blockchain. Chúng tôi nhận thấy blockchain là xu thế khách quan và tất yếu trong công nghệ. Những người làm công nghệ chúng tôi hiểu rằng chỉ 10 năm nữa, blockchain sẽ đóng vai trò quan trọng như Internet như hiện nay. Nếu 10 năm tới mà ai không biết tới blockchain thì họ cũng sẽ lạc hậu như những người chưa từng biết tới Internet hôm nay.
Blockchain sẽ là xu thế tất yếu. Thủ Đô Multimedia chuyển mình sang nghiên cứu ứng dụng và điểm hay của công nghệ mới này vào những sản phẩm giải pháp mà chúng tôi đang có. Hiện tại, chúng tôi đã tài trợ phát triển các sản phẩm ứng dụng blockchain, chẳng hạn như game Bemil ứng dụng blockchain được nhà phát hành Serbia cho ra mắt thị trường quốc tế từ tháng 7 vừa qua. Khác các game đang có trên thị trường, Bemil với phương thức play-to-earn được người dùng nước ngoài đón nhận rất tốt.
Được thiết kế để hướng tới người chơi thực sự, giúp họ vừa giải trí vừa có thể kiếm tiền thông qua xây dựng, làm nhiệm vụ hay đánh chiếm thuộc địa…. Đối với nhiều quốc gia, chẳng hạn như Philippines, số tiền mà một người chơi kiếm được mỗi ngày vào khoảng 1 USD là đủ tiền lo lương thực cho cả gia đình.
Anh nghĩ sao khi gọi sự phát triển sản phẩm của Thủ Đô Multimedia thời gian qua là sự tiến hóa? Công cuộc này đặt ra những đòi hỏi gì với đội ngũ nhân sự của công ty, nhất là khi 100% sản phẩm đều là Make in Việt Nam, đều do người Việt Nam tạo ra?
Tôi không nghĩ đó là sự tiến hóa. Thủ Đô Multimedia mới có lịch sử hơn 10 năm, hầu hết các trụ cột từng gắn bó ngày đầu đến nay vẫn là nhân sự của công ty. Các bạn đều rất trẻ. Nói trên một phương diện nào đó, tôi cũng giống các bạn 9x thôi, bởi năm 2008 tôi cũng mới bắt đầu dừng chương trình đang học ở nước ngoài và đi làm như các bạn.
Về mặt tinh thần, tôi nghĩ rằng chúng tôi còn khá trẻ. Khi nhìn vào một công ty 9x, bạn sẽ thấy nó thực sự rất trẻ. Trong ngành công nghệ, con người chúng tôi đã quen với sự thích ứng nhanh bởi công nghệ phát triển quá nhanh. Chúng tôi buộc phải quen với điều đó để trưởng thành và tiếp tục tồn tại.
Trước tôi, các anh thế hệ 7x cũng xây dựng rất nhiều các công ty dịch vụ giá trị gia tăng đầu số và tin nhắn, lúc rực rỡ nhất thị trường có khoảng 500 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến bây giờ, các công ty đó hầu hết đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam hoặc không tìm ra được cái mới để tiếp tục phát triển. Nhiều doanh nghiệp cố gắng bắt theo cái mới nhưng phần gốc là kiến thức và kinh nghiệm đã gắn liền với dịch vụ nhắn tin, đầu số rất sâu, rất nặng nên bước chuyển mình sang mảng mới trở nên khó khăn.
Chúng tôi thì khác. Chúng tôi luôn thấy sản phẩm phải thay đổi nhanh và liên tục. Ngoài nội sinh, yêu cầu thay đổi cũng tới từ các đối tác bên ngoài như Apple, Facebook, Google… buộc chúng tôi phải thay đổi, thích nghi nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.
Anh đánh giá ra sao về năng lực của đội ngũ kỹ sư IT người Việt nói chung và của Thủ Đô Multimedia nói riêng? Điểm mạnh nhất của họ là gì?
Có thể nói rằng phần lớn kỹ sư IT Việt đều xuất thân từ các miền quê. Họ đem được sự chịu thương chịu khó, vất vả của cuộc sống từng trải qua ra thành phố, rồi vào công ty. Điểm đầu tiên họ chịu thương chịu khó để có thể phát triển. Khi các bạn chọn ngành IT, các bạn có thêm ưu điểm là đầu óc logic rõ ràng.
Về ưu điểm của kỹ sư Việt, so sánh với các kỹ sư trên thế giới, kỹ sư Việt nổi bật ở sự thông minh, khéo léo khi thực hiện công việc. Chẳng hạn như với cùng một phần mềm xử lý tín hiệu truyền hình, sản phẩm của nước ngoài cần tới 2,5 giây tính từ lúc tín hiệu vào tới ra. Với giải pháp Sigma Transcode của chúng tôi, thời gian chỉ là 0,5 giây. Việc xử lý video, hình ảnh, giải pháp Transcode nước ngoài yêu cầu server có card đồ họa đắt tiền, hiệu suất cao. Tuy nhiên với sản phẩm của Thủ Đô, chúng tôi sử dụng cả GPU và CPU để xử lý. Giải pháp của chúng tôi có thể xử lý linh hoạt hơn rất nhiều và giá thành cũng giảm đi nhiều nhờ phần cứng linh hoạt.
Ngoài ra, tôi thấy các kỹ sư IT ở Thủ Đô luôn có sự tự trọng cao. Các bạn ấy luôn nghĩ rằng thế giới làm được thì Việt Nam có thể làm được, thậm chí làm tốt hơn, bằng sức lực và trí lực của mình.
Ở chiều ngược lại, anh nghĩ các bạn trẻ hài lòng nhất điều gì trong môi trường làm việc ở Thủ Đô Multimedia?
Chúng tôi là một doanh nghiệp, cũng như các doanh nghiệp IT, chúng tôi hiểu chỉ không làm mới không sai. Khi làm, sai là tất yếu. Chính những cái sai đó là bài học để chúng tôi thành công, trưởng thành ở những bước tiếp theo. Thấu hiểu điều đó, chúng tôi luôn nỗ lực tạo ra môi trường, tạo động lực và giao quyền, thậm chí giao quyền điều hành để các bạn kỹ sư IT có cơ hội phát triển. Đó chính là điều tạo ra môi trường phù hợp cho các bạn.
Ngay từ buổi đầu thành lập, chúng tôi đã có tiêu chí là trọng dụng nhân tài, coi con người là trung tâm và khao khát thành công để làm chủ ở Việt Nam và tiến ra thị trường thế giới. Đến hôm nay, điều này vẫn còn nguyên giá trị.
Những năm gần đây, giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số Sigma DRM của công ty khá nổi tiếng khi liên tiếp giành được nhiều giải thưởng danh tiếng. Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về sản phẩm này được không?
Thủ Đô Multimedia là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ giải pháp liên quan tới cung cấp giải pháp cho một đài truyền hình kỹ thuật số. Mỗi một giải pháp, từng phần đều có khó khăn riêng nhưng “trái tim” của nó là làm sao để sở hữu được những sáng chế, giải pháp trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền.
Vì sao lại vậy? Bây giờ hàng hóa kỹ thuật số, nội dung số trở nên càng ngày càng có giá trị. Facebook là doanh nghiệp cả trăm tỷ USD nhưng tất cả giá trị đều nằm ở nội dung số. Nếu không bảo vệ được tài sản số thì nền kinh tế số không phát triển được.
Đơn giản như truyền hình, nhiều đơn vị không bảo vệ được bản quyền bị cắt sóng, bồi thường hợp đồng ngay cả khi đã thanh toán đủ tiền. Chính vì thế, chúng tôi suy nghĩ và đặt ra quyết tâm tạo được sản phẩm có thể giải quyết được vấn đề bản quyền. Khi làm ra, chúng tôi thấy toàn cầu chỉ có 20 doanh nghiệp làm được điều ấy, chủ yếu là doanh nghiệp lớn như IBM, Adobe, Apple, Microsoft…. Được đứng vào hàng ngũ đó chính là câu trả lời cho khả năng của sản phẩm.
Là người sáng lập và dẫn dắt Thủ Đô Multimedia trở thành doanh nghiệp đầu tiên ghi tên Việt Nam trong Top 20 giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số toàn cầu, điều gì khiến anh tự hào nhất ở “đứa con tinh thần” của mình?
Tôi thấy nó trút được cho mình gánh nặng. Như bạn đã biết, chúng tôi đã bỏ tất cả để theo đuổi lĩnh vực này. Dù biết là rất khó nhưng các bạn trẻ, đội ngũ kỹ sư IT người Việt ở Thủ Đô Multimedia đã làm được. Đó là điều khiến tôi được an ủi chứ chưa dám nói là tự hào.
Làm sản phẩm bảo vệ bản quyền thì điều gì là khó nhất?
Cái khó khăn lớn nhất của các công ty làm bảo mật, bảo vệ bản quyền nói chung là không có trường lớp nào đào tạo cho lĩnh vực này. Thứ hai, các tài liệu hướng dẫn làm cũng gần như không có. Khi làm lĩnh vực bảo mật, nó gắn chặt với từng thiết bị.
Ví dụ như với TV, khi làm bảo mật, phải hiểu rõ nó có bao nhiêu cổng ra, làm sao để hiểu đặc tính vật lý phần cứng nhằm chống việc ghi ra HDMI, hiểu rõ hệ điều hành đó hoạt động như thế nào. Có những thay đổi ở lõi hệ điều hành có thể tác động tới bảo mật. Các hãng không chia sẻ hệ điều hành hoạt động như thế nào. Đó là bí mật. Nên muốn làm được phải hiểu rõ về nó, tự nghiên cứu và tìm hiểu.
Khi phát triển xong sản phẩm, phải đem đi kiểm định. Các đơn vị sở hữu nội dung, dựa vào phần kiểm định đó, sẽ tiếp tục kiểm nghiệm một lần nữa. Ngoài ra, lĩnh vực này khá hẹp và có sự thống trị của các “ông lớn” nên sản phẩm cần có sự ưu việt để thu hút được khách hàng.
Tuy nhiên, ở đây cũng có những thuận lợi. Dù nói ra hay không thì các quốc gia, khi chuyển đổi số, đều phải có giải pháp bảo mật của riêng mình cho môi trường số. Với điều kiện mạng như hiện nay của Việt Nam, việc sử dụng một giải pháp trong nước sẽ tránh được những rủi ro khi cáp quang quốc tế có vấn đề chẳng hạn.
Kế hoạch tiếp theo của Thủ Đô Multimedia trong lĩnh vực truyền hình nói chung là gì?
Đầu tiên, chúng tôi sẽ hướng đến cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, vì đây là thị trường chúng tôi có lợi thế nhất rồi sẽ tiếp cận thị trường nước ngoài từ gần tới xa. Năm 2022, chúng tôi sẽ có khách hàng đầu tiên ở Đông Nam Á, sau đó hướng tới tiếp cận thị trường châu Á.
Hiện nay, chúng tôi đã có doanh nghiệp nước ngoài sử dụng giải pháp của mình, chẳng hạn như Jungo TV của Mỹ. Hay mới gần đây nhất chúng tôi cũng kết hợp với Akamai để bán được giải pháp truyền hình cho Bộ Nội Vụ Campuchia.
Được biết Thủ Đô Multimedia đang ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Công nghệ này có ưu điểm gì so với các giải pháp hiện có? Anh kỳ vọng ra sao về tương lai của nó?
Với Internet, thế giới chúng ta phẳng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi Internet ra đời, nhiều ngành phát triển nhưng cũng có nhiều ngành điêu đứng bởi sự xâm phạm bản quyền trên môi trường số. Ví dụ ngành âm nhạc, khi Internet ra đời, nó là cơ hội để phát hành rộng rãi tới công chúng toàn cầu. Trước đây, chúng ta muốn nghe một bản nhạc thì phải mua đĩa, thậm chí phải đợi nhiều tháng trời để đĩa chuyển từ nước ngoài về. Tuy nhiên, Internet phát triển giúp bạn có thể thưởng thức âm nhạc mọi lúc, mọi nơi. Ban đầu, Internet khiến cả thế giới số nổ tung.
Tuy nhiên, nó giống như tán cây phát triển quá nhanh nhưng gốc rễ không theo kịp, dẫn tới bị tổn thương. Mỗi lần các tác phẩm của các nhạc sĩ, các nghệ sĩ được sử dụng, công lao của họ cho sản phẩm không được ghi nhận, thù lao không được trả. Họ không được xin phép, không được trả công, dẫn tới việc họ thiếu đi những động lực trong quá trình sáng tạo, phát triển sản phẩm.
Chỉ cần xin phép thôi, chưa nói chuyện trả tiền, tôi nghĩ các nhạc sĩ cũng có động lực lớn để tạo ra tác phẩm. Tuy nhiên, điều đấy cũng không có. Thậm chí, nhiều nhạc sĩ chia sẻ rằng họ vừa tổ chức show trị giá vài tỉ đồng, còn chưa kịp chào bán, đã bị mất trên môi trường số.
Thế giới số khiến nhiều người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, blockchain ra đời sẽ giúp những ngành đó, cụ thể là nội dung số, được sống lại. Nếu ứng dụng blockchain kết hợp với DRM, mỗi lần sử dụng, hệ thống sẽ ghi nhận và lưu lại sự dịch chuỗi đó. Khi lượt sử dụng được ghi nhận, tác giả sẽ nhận lại từ niềm động viên cho tới lợi ích kinh tế mà họ đáng được hưởng.
Anh kỳ vọng hệ thống bảo vệ bản quyền âm nhạc sẽ làm thay đổi ra sao với ngành công nghiệp âm nhạc trực tuyến Việt Nam?
Khi Việt Nam hội nhập với thế giới trong lĩnh vực Internet, ngành âm nhạc, việc ghi nhận tác quyền cho mảng biểu diễn đã được thực hiện khá tốt. Khi một tác phẩm âm nhạc được dùng trong biểu diễn, có những trung tâm giúp nhạc sĩ ghi nhận được bản quyền. Tuy vậy, ở trong phần đó, nó có một điểm mà chúng ta không thể phủ nhận đó là chưa hoàn toàn minh bạch. Ví dụ, tôi thu được một lượng tiền cho đêm diễn nhưng mỗi nhạc sĩ không biết họ được thụ hưởng bao nhiêu phần trăm trong số đó.
Với sản phẩm bảo vệ bản quyền cho lĩnh vực âm nhạc trên Internet, các nhạc sĩ hãy ủy quyền để chúng tôi bảo vệ bản quyền bằng giải pháp Sigma DRM mà chúng tôi xây dựng. Mỗi lần sử dụng, hệ thống bảo vệ bản quyền sẽ ghi nhận, cấp chìa khóa giải mã và ghi nhận bài hát được sử dụng 1 lần. Thông qua đó thì minh bạch số lần sử dụng, minh bạch được các thanh toán tác quyền cho tác giả trong mỗi lần sử dụng.
Ví dụ, hãng sử dụng nội dung trả 100 triệu tiền tác quyền. Dựa trên số lượt sử dụng và số bài hát được sử dụng, chúng tôi sẽ đếm chính xác lượt dùng và chia doanh thu một cách rõ ràng thông qua đơn vị cơ sở là lượt dùng.
Trước Tết âm lịch năm nay, giải pháp bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến của Thủ Đô Multimedia sẽ được ra mắt. Chúng tôi mong mỏi góp phần bảo vệ tác quyền trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến, trả lại sự công bằng cho các nhạc sĩ.
Trong tương lai, anh định hướng Thủ Đô Multimedia trở thành một doanh nghiệp như thế nào?
Trong 5 năm tới, tôi nghĩ đó là thời điểm chín muồi của truyền hình tương tác. Như Việt Nam bây giờ, chúng ta chưa có khái niệm truyền hình tương tác. Khi người dùng xem truyền hình, họ chưa có cơ hội tương tác với nhà đài. Với công nghệ mà Thủ Đô Multimedia đang phát triển, năm 2022, chúng tôi sẽ ra mắt công nghệ truyền hình tương tác trong lĩnh vực OTT.
Nó có thể giúp người dùng tương tác trực tiếp với nội dung đang chiếu hay tương tác với nhà đài. Nó giống như lịch sử viễn thông, từ các dịch vụ cơ bản (gần như chiếm 100%) nhưng bây giờ dịch vụ giá trị gia tăng lên ngôi, chiếm 85% tổng doanh thu. Sự ra mắt của truyền hình tương tác là dấu ấn đầu tiên, giống 1 cổng để phát triển giá trị gia tăng cho truyền hình. Ở đó, người xem có thể tương tác với các nội dung.
Tôi nghĩ 5 năm tới, lĩnh vực truyền hình tương tác sẽ phát triển và nở rộ như các dịch vụ giá trị gia tăng của ngành viễn thông di động thời gian trước.
Ngoài ra, tôi đoán rằng blockchain được áp dụng vào nhiều lĩnh vực trong đời sống và ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài bảo vệ tác quyền, công nghệ này có thể được sử dụng để truy xuất nguồn gốc, ứng dụng của hợp đồng thông minh hay các lĩnh vực tài chính, ngân hàng khác….
Phản hồi gần đây