Vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến
Theo thông tin trên trang observer.com, mới đây, Liên minh những người làm âm nhạc (Music Workers Alliance – MWA), một tổ chức đại diện cho các nhạc sĩ, DJ và kỹ sư âm thanh độc lập, đã phát động một chiến dịch bảo vệ công lý cho nền âm nhạc phát trực tuyến. Liên minh vận động các nhà làm luật thay đổi những điều khoản cho phép các công ty như Google và YouTube kiếm hàng tỷ USD từ việc vi phạm bản quyền hàng loạt bài hát, bản nhạc; và cho phép các dịch vụ phát trực tuyến như Spotify trả mức thù lao xứng đáng cho các nhạc sĩ.
“Vi phạm bản quyền hàng loạt làm giảm giá trị tất cả các tác phẩm âm nhạc và tạo ra một thị trường chợ đen rộng lớn”, Ben Brock, tay trống và là thành thành viên MWA cho biết tại cuộc biểu tình khởi động chiến dịch của MWA hồi tháng 2 được observer.com dẫn lời.
Các thành viên MWA đã lên tiếng về việc vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến. Họ mô tả cách một album, sau khi được phát hành, xuất hiện trên YouTube, nơi mọi người có thể nghe miễn phí. Ngay cả khi bản nhạc không có trên YouTube, thu nhập của nhạc sỹ vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến diễn ra khắp nơi trên Internet, hoặc mức thù lao rẻ rúng mà các nền tảng trả cho các nhạc sỹ.
Do tình trạng vi phạm bản quyền quá tràn lan như vậy, nên âm nhạc, đang bị đối xử như thông tin, nghĩa là đòi hỏi phải được sử dụng miễn phí. MWA cho rằng đây là một hệ tư tưởng tạo ra hàng tỷ USD cho những nền tảng công nghệ nhưng lại làm giảm số lượng những người sáng tạo nội dung.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến cũng đáng báo động. Tại một sự kiện giới thiệu nền tảng bảo vệ bản quyền âm nhạc MCM gần đây, nhạc sỹ Xuân Phương đã bày tỏ: “Thời gian gần đây các vụ vi phạm bản quyền âm nhạc trên mạng ngày càng gia tăng, gây bức xúc lớn với giới nhạc sỹ, tổn hại đến sự nghiệp sáng tác, lao động nghệ thuật của chúng tôi”.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết trong thời đại công nghệ số phát triển, khi công nghệ phát triển từng giờ từng phút, vấn đề bảo vệ bản quyền trở thành vấn đề nhức nhối.
Bà Oanh nhận định câu chuyện vi phạm bản quyền trong lĩnh vực số không chỉ có ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Khi các tác phẩm được đưa lên khai thác trên Internet, chỉ một cú nhấp (click) chuột tác phẩm đã đến được với công chúng. Chính vì sự thuận tiện này trong môi trường số, các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh chóng rộng rãi hơn. Nhưng sự thuận tiện của công nghệ cũng khiến nạn vi phạm bản quyền lan rộng.
“Nếu chúng ta bảo vệ được bản quyền các tác phẩm, thì mới có thể khuyến khích các tác giả đầu tư sáng tác. Trong môi trường số, không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số”, bà Oanh nhấn mạnh.
Ngày 22/2/2022 vừa qua, nền tảng bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM chính thức ra đời. Buổi ra mắt đã thu hút sự chú ý của đông đảo các nghệ sỹ, hầu hết đều là nạn nhân của nạn vi phạm bản quyền, đều có những tác phẩm bị đưa ra sử dụng, thương mại hóa mà không hề được xin phép bản quyền, chưa nói đến việc trả tiền bản quyền. Vì vậy, các nghệ sỹ đều đặt niềm tin vào một giải pháp công nghệ giúp bảo vệ tác phẩm.
CKS giúp bảo vệ bản quyền âm nhạc bằng cách nào?
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia), đơn vị bảo trợ công nghệ cho MCM Online, cho biết giải pháp bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến của MCM có điểm mạnh nằm ở công nghệ. MCM tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ bản quyền. Trong mỗi giải pháp có các bí quyết riêng và giải pháp của MCM đã được các tổ chức quốc tế công nhận đạt chuẩn.
Ông Hân chia sẻ: “MCM chứa đựng nhiều hy vọng của chúng tôi. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một nền tảng bảo vệ bản quyền theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế vào cho lĩnh vực bản quyền. Thứ hai, chúng tôi đang nhìn thị trường sử dụng bản quyền âm nhạc theo một chiều hướng mới, đó là người dùng có xu thế sử dụng âm nhạc trực tuyến đang tăng mạnh, và vì thế cần có một nền tảng cung cấp âm nhạc trực tuyến – nền tảng này không chỉ giúp các nhạc sỹ, nhà sản xuất trong nước có thể cung cấp âm nhạc, mà khi chúng ta xây dựng một nền tảng tiêu chuẩn quốc tế, thì các đơn vị âm nhạc quốc tế cũng yên tâm khi cung cấp nhạc vào thị trường Việt Nam”.
Theo thống kê, tiêu dùng âm nhạc trên nền tảng số mỗi năm đều tăng 2 con số, điều đó cho thấy âm nhạc trực tuyến đang có nhiều dư địa phát triển. Trong khi đó, những nội dung số như âm nhạc trực tuyến là những sản phẩm vô hình, chúng ta không thể nhìn bằng mắt. Ví dụ có một tệp (file) nhạc mp3, khi chuyển file nhạc đó cho một đơn vị A và rồi lại chuyển file đó cho đơn vị B, không ai nhìn thấy “sự chuyển giao qua lại” này. Vì vậy, để phân biệt được, khi chuyển cho đơn vị thứ nhất, tác phẩm phải được “ký một CKS”, và cũng tác phẩm đó khi chuyển cho đơn vị hai, tác phẩm sẽ có “CKS thứ hai”.
Dựa trên cơ chế công nghệ đó, một nền tảng mạng xã hội, ví dụ như TikTok, khi họ dùng tác phẩm, dù chỉ một giây, nhưng đã có CKS và từ đó sẽ truy vết được đoạn nhạc đó được đơn vị nào sử dụng.
Theo ông Hân, MCM xử lý vấn đề từ gốc trước. Nếu tất cả nhạc sỹ, ca sỹ, nhà sản xuất âm nhạc đều thực hiện bảo vệ bản quyền tác phẩm, thực hiện CKS, khi đó tất cả tác phẩm trên Internet sẽ được định hình, không còn là “sản phẩm vô hình” nữa.
MCM hiện đang cung cấp công cụ CKS miễn phí. Các đơn vị có tác phẩm chỉ việc tải tác phẩm lên hệ thống và lưu lại, sản phẩm đầu ra đã chứa CKS. Trong công tác phân phối tác phẩm, các bên sẽ dùng sản phẩm đã có CKS.
“Và như vậy, chúng ta sẽ phát triển được những gì chúng ta bảo vệ, phát triển được những tác phẩm đã có CKS, dần dần công tác bảo vệ sẽ lan ra, và giúp phần lớn các tác phẩm âm nhạc trên môi trường Internet được định danh”, ông Hân chia sẻ.
Công nghệ sử dụng CKS là công nghệ chèn mã vào trong các phổ nhạc, việc chèn mã liên tục sẽ bảo vệ toàn bộ tác phẩm. Những đơn vị muốn sử dụng tác phẩm phải có “chìa khóa” để giải mã, dù họ chỉ sử dụng một đoạn nhạc ngắn, do phần mềm loại bỏ nhiễu không thể loại bỏ toàn bộ những mã chèn này. Thứ hai, trong suốt bản nhạc, CKS cũng được đóng liên tục, nên nếu cắt một đoạn nhạc nhỏ ra, đoạn nhạc đó vẫn bao gồm CKS.
Hiện nay ở Việt Nam, việc bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet vẫn chưa được đơn vị nào áp dụng công nghệ CKS, như vậy, để bảo vệ tác phẩm. MCM đời giống như một miếng ghép, ghép vào công tác bảo vệ, phân phối âm nhạc truyền thống. Ông Hân cho biết trong tương lai, với công nghệ bảo vệ bản quyền như vậy, MCM sẽ xây dựng những kho nhạc có bản quyền, bảo vệ bản quyền cho các đơn vị, tổ chức.
“Bằng giải pháp này, chúng tôi có thể hợp tác với tất cả các bên có nhu cầu bảo vệ bản quyền. Đó vừa như một miếng ghép nhưng lại có tính tương hỗ, tạo thành bức tranh tổng thể trong việc sử dụng bản quyền âm nhạc Việt. Và từ đó, việc sử dụng bản quyền âm nhạc số sẽ đi vào nề nếp”, CEO Thủ đô Multimedia nói./.
Phản hồi gần đây