Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu nội dung, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm cũng đang gặp phải một số hạn chế, và biện pháp ngăn chặn vi phạm chưa được thống nhất.
Vào ngày 26/9/2023, tại Hà Nội, Liên minh Sáng tạo Nội dung Số Việt Nam (DCCA) đã phối hợp với Thủ Đô Multimedia tổ chức buổi Tọa đàm có chủ đề “Giải Quyết Vấn Đề Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Nội Dung Cho Ngành Công Nghiệp Âm Nhạc, Điện Ảnh, và Truyền Hình Số”. Sau buổi hội thảo, báo điện tử sohuutritue.net cũng có bài đăng:
Ngày 26/9/2023, tại Hà Nội, Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp cùng Thủ Đô Multimedia tổ chức Tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc – điện ảnh – truyền hình số”.
Tọa đàm đã chia sẻ thông tin về thực trạng vi phạm bản quyền nội dung số nói chung, cũng như ngành âm nhạc, điện ảnh và truyền hình số nói riêng, đồng thời thảo luận các khó khăn trong việc áp dụng các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến bản quyền. Bên cạnh đó, Thủ Đô Multimedia đã chia sẻ giải pháp Sigma Multi-DRM tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo vệ bản quyền (tên thương mại Sigma Active Observer – SAO) giúp các nhà sở hữu nội dung, các nền tảng phát hành nội dung trực tuyến có thể bảo vệ được bản quyền các sản phẩm nội dung trên Internet.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Phạm Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Bản quyền Nội dung số, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho hay, hiện nay việc vi phạm bản quyền diễn ra rất phức tạp đã có hàng loạt website lậu vi phạm bản quyền bóng đá, đặc biệt là các giải đấu lớn mang tính thời sự như giải bóng đá ngoại hạng Anh, Cup C1 Châu Âu, các website lậu này có tới 1,5 tỷ lượt view trong năm 2022-2023.
Ngoài ra có hơn 200 website lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem trên một tháng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, phát hiện một số website lậu đã bắt đầu chuyển sang hình thức ăn cắp nội dung truyện tranh của Nhật Bản. Việc vi phạm này đã chịu sự xử lý rất gay gắt từ phía nước Nhật.
Ông cũng chia sẻ về thực trạng: “Các tên miền vi phạm đặt máy chủ ở nước ngoài, và chủ sở hữu đều gắn quảng cáo cá độ cờ bạc trên các website. Các hình thức vi phạm điển hình là các chủ sở hữu bản quyền khi phát sóng đăng tải trên các nền tảng như OTT, trên truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh thì đều bị các đối tượng lấy lại nội dung, sau đó livestream trên mạng xã hội cũng như các website vi phạm”.
Trước thực trạng này, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin cũng như các Cục Sở hữu bản quyền thực hiện các biện pháp để phát hiện, sau đó xác minh và phối hợp với các đơn vị liên quan gửi thông tin đến các nhà cung cấp dịch vụ trung gian – ISP. Từ đó ngăn chặn người dùng internet tại Việt Nam có thể truy cập vào các website vi phạm, theo đó đã có gần 1000 website được ngăn chặn.
Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ ra những bất cập còn tồn tại như, biện pháp ngăn chặn chưa thống nhất giữa các ISP, thời gian chặn chưa thống nhất giữa các ISP, có ISP chặn ngay lập tức, có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn. Chưa linh hoạt để đối phó tên miền mới – những đối tượng vi phạm đổi tên miền rất nhanh, sau đó thông báo tên mới trong các nhóm kín trên mạng xã hội như telegram, facebook, zalo…
Trong khi đó, Luật sư Phạm Thanh Thuỷ – Phụ trách Chống vi phạm bản quyền K+ cũng chỉ ra những khó khăn mà các nhà cung cấp truyền hình OTT và các hãng phát hành trực tuyến phải đối mặt. Theo bà, đó chính là lỗ hổng quyền kỹ thuật số (DRM), cụ thể là việc lợi dụng sự giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền (License Server) và qua mặt việc xác thực cấp quyền lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy.
Bên cạnh đó là vấn đề dùng thiết bị quay màn hình để phát lại hay vấn đề khai thác các Mạng riêng ảo (VPN) để né tránh hạn chế địa lý, cho phép truy cập nội dung từ quốc gia này phân phối nội dung trái phép tại một quốc gia khác.
Có thể thấy, mặc dù đã có nhiều giải pháp và sự chung tay của cộng đồng về bảo vệ bản quyền, song hiệu quả vẫn ở quy mô nhỏ và chưa đủ để chặn đứng, đẩy lùi vi phạm bản quyền điện ảnh, âm nhạc và truyền hình số. Ở phần thảo luận, các đại biểu, diễn giả, khách mời tiếp tục chia sẻ các kinh nghiệm đối phó với vấn nạn này. Theo đó, có ba nhóm giải pháp. Trong đó hai cách truyền thống đã có từ lâu: một là các giải pháp kỹ thuật, các công nghệ mới được liên tục phát triển tính năng nhằm mã hoá nội dung hoặc truy xuất vi phạm…; hai là các biện pháp pháp lý để hỗ trợ chủ sở hữu bản quyền, gồm hành chính, dân sự, hình sự.
Nhóm giải pháp thứ ba là một xu hướng mới, đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, đó là chặn truy cập và “Knock and Talk” (tạm dịch: gõ cửa và nói chuyện, cụ thể là tìm ra danh tính và nhân thân của người đứng đầu vi phạm rồi trực tiếp gặp và yêu cầu dừng mọi vi phạm).
Chi tiết tại: sohuutritue.net
Phản hồi gần đây