Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc, điện ảnh, truyền hình trên nền tảng số diễn ra tràn lan, ngày càng phức tạp và tinh vi. Điều này đặt ra yêu cầu về việc xây dựng hệ thống chặn truy cập trang web lậu tự động, đồng thời siết chặt cơ chế pháp lý trong vấn đề bảo vệ bản quyền.
Tọa đàm ngày 26/9 về “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc-điện ảnh-truyền hình số” do Thủ Đô Multimedia tổ chức, được rất nhiều tờ báo quan tâm, trong đó trang Báo Tiền Phong nổi tiếng đã viết:
Xâm phạm nhan nhản
Tại tọa đàm Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc – điện ảnh – truyền hình số do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp tổ chức ngày 26/9, đông đảo các chuyên gia, luật sư, đại diện các nhà cung cấp nội dung trên nền tảng số chia sẻ về thực trạng vi phạm bản quyền đặc biệt trong ngành âm nhạc, điện ảnh và truyền hình và đề xuất giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm bản quyền.
XoilacTV – trang web vi phạm bản quyền các trận đá bóng nghiêm trọng. |
Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam khẳng định, vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung đặc biệt trong bối cảnh số gặp không ít thách thức. Làm rõ hơn nhận định này, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Nội dung số, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Bộ Thông tin và Truyền thông nêu, tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam rất phức tạp, với hàng loạt website vi phạm bản quyền (web lậu) thường xuyên đăng, phát trái phép các giải bóng đá, phim ảnh.
Theo số liệu từ SimilarWeb, khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt xem trong các năm 2022, 2023, hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng. Trong vòng một năm từ tháng 8/2022, Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền để ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá lậu như coichua.net, tammao.tv, xoilac.live…
Nhiều bộ phim truyền hình giờ vàng bị đăng tải tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. |
“Đặc điểm chung của nhiều trang web vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và liên tục thay đổi tên miền khi bị chặn. Hình thức vi phạm điển hình của các web lậu chính là tập trung đăng tải nội dung thông qua hình thức livestream (phát sóng trực tiếp) hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung trên mạng xã hội. Những nội dung này được lấy lại từ các nền tảng chính thống như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh…”, ông Phạm Hoàng Hải nêu. Không chỉ lấy lại nội dung, đăng tải lên mạng xã hội trái phép, các trang web lậu thường xuyên cài cắm những quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc .
Luật sư Phạm Thanh Thuỷ – phụ trách chống vi phạm bản quyền một kênh truyền hình mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh – cho biết, Việt Nam có 15,5 triệu người thường xuyên truy cập vào web lậu, khiến Việt Nam lọt vào top 3 khu vực về vi phạm bản quyền. “Các trận bóng thuộc ngoại hạng Anh có bản quyền xuất hiện tràn lan trên Internet. Nếu 15,5 triệu lượt xem lậu có 10% chuyển đổi thành thuê bao hợp pháp, số tiền thu về sẽ rất lớn. Với số tiền này chúng ta có thể tái đầu tư vào những sản phẩm có giá trị hơn, mua những chương trình thể thao, những bộ phim tốt hơn, từ đó góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số tại Việt Nam”, bà Phạm Thanh Thủy nêu.
Cơ chế chặn tự động
Thông tin về con số thiệt hại do vi phạm bản quyền, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia cho biết, có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây thất thoát 348 triệu USD năm 2022, tương đương 7 nghìn tỷ đồng. Vi phạm bản quyền trên toàn cầu gây thiệt hại 65 tỷ USD cho ngành âm nhạc, phim và truyền hình trên toàn thế giới năm 2022.
Cùng với những giải pháp về kỹ thuật như chặn truy cập, hệ thống chặn truy cập chủ động, các chuyên gia, đại biểu nhấn mạnh vai trò của các biện pháp liên quan pháp lý, đặc biệt là hỗ trợ cho các chủ thể sở hữu bản quyền. Bà Phạm Thanh Thủy chỉ ra một số khó khăn. Việc áp dụng biện pháp hành chính dân sự và hình sự rất nan giải và diễn ra trong thời gian dài. “Vụ kiện phimmoi.net đã kéo dài bốn năm mà chưa có kết quả”, bà Phạm Thanh Thủy nêu.
Ông Phạm Hoàng Hải cho rằng, sau thời gian dài thực hiện biện pháp chặn truy cập đối với các trang web lậu đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, số lượng các đường link vi phạm bản quyền giảm 7%, lượt truy cập của các trang web bị chặn giảm tới 98%. Bên cạnh đó, việc chặn truy cập các trang web lậu dần thay đổi thói quen truy cập trang web của người dân Việt Nam. Theo đó, 23% người dùng Internet ở Việt Nam trả lời sẽ không truy cập web lậu hoặc ít truy cập do tác động của việc chặn truy cập.
Tuy vậy, biện pháp chặn truy cập vẫn tồn tại một số bất cập. “Chúng ta cần thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và ISP. Thiết lập cơ chế chặn linh hoạt, chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi bị chặn, tiếp đó áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập”, ông Phạm Hoàng Hải nêu.
Chung quan điểm với ông Phạm Hoàng Hải, bà Phạm Thanh Thủy đề xuất, Việt Nam áp dụng mô hình chặn chủ động như ở Anh. Đó là web lậu thay đổi tên miền, địa chỉ IP khi bị chặn lần đầu, các ISP sẽ chủ động chặn tiếp các tên miền, địa chỉ IP mới đó khi nhận được thông báo từ chủ sở hữu quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần thực hiện lại thủ tục hành chính.
Trước sự cần thiết của hệ thống chặn tự động, ông Nguyễn Ngọc Hân cho rằng, cần áp dụng công nghệ AI để tăng cường giám sát mọi khía cạnh của hoạt động phân phối nội dung và phát trực tuyến. “Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, giúp việc phát hiện và rà soát mọi hoạt động trao đổi dữ liệu trong quá trình phân phối nội dung trên Internet một cách nhanh chóng, chính xác hơn”, ông Nguyễn Ngọc Hân nêu.
Xem chi tiết tại: tienphong.vn
Phản hồi gần đây