Bên cạnh những ưu điểm, cuộc cách mạng số hóa trong lĩnh vực truyền hình đã và đang mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, yêu cầu ra đời các giải pháp mới để bảo vệ nội dung khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm hại bản quyền…
Ngày 26/9/ với chủ đề “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc – điện ảnh – truyền hình số”, do Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp với Thủ Đô Multimedia đồng tổ chức nhằm tìm ra giải pháp mới cho những vấn đề nhức nhối trên.
Chia sẻ sau hội thảo, báo điên tử vietnamplus.vn cũng có bài viết cùng quan điểm:
Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về mức độ vi phạm bản quyền trên môi trường số, nhưng theo bình quân đầu người thì tỷ lệ vi phạm tại Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực, theo khảo sát của Media Partners Asia.
Hiện, Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây ra mức thiệt hại 348 triệu USD năm 2022 (tương đương 7.000 tỷ đồng).
Đó là thông tin luật sư Phạm Thanh Thủy đưa ra trong cuộc tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, truyền hình số” diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội.
Khó khăn khi chặn đuổi web lậu
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/9/2016 đã khẳng định: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Song song với đó, trong công nghiệp văn hóa, thực thi tốt bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần gia tăng động lực sáng tạo, đem lại sự công bằng trong đãi ngộ các thành quả sáng tạo.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bản quyền và hiện đang phụ trách chống vi phạm bản quyền Truyền hình K+, luật sư Phạm Thanh Thủy cho rằng các hình thức vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi, phức tạp.
“Các trận bóng thuộc ngoại hạng Anh có bản quyền xuất hiện tràn lan trên Internet. Nếu 15,5 triệu lượt xem lậu mà có 10% chuyển đổi thành thuê bao hợp pháp thì số tiền thu về sẽ rất lớn. Với số tiền này chúng ta có thể tái đầu tư vào những sản phẩm có giá trị hơn, mua những chương trình thể thao, những bộ phim tốt hơn,” bà Phạm Thanh Thủy nêu.
[‘Gõ cửa và Nói chuyện’-Cách chống vi phạm bản quyền điện ảnh hiệu quả]
Theo bà Thủy, khoảng 10 năm trước, các tên miền .vn có thể dễ dàng bị xử lý, còn ngày nay, chủ sở hữu các website lậu đã khôn khéo hơn nhiều. Họ sử dụng tên miền có nguồn gốc từ nước ngoài và có thể dễ dàng đổi tên miền khi bị chặn.
Đó là lý do tại sao các website vi phạm bản quyền phát sóng chương trình phim ảnh, âm nhạc, bóng đá như xoilac, phimmoi… liên tục phát sinh các địa chỉ mới, rất khó xử lý.
Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng tình với ý kiến trên. Ông Hải cho hay từ 8/2022-8/2023, đã có gần 1.000 website xem “lậu” bóng đá bị chặn, tuy nhiên công cụ quản lý của cơ quan Nhà nước có bất cập là chưa linh hoạt chặn “đuổi” các tên miền mới.
Sử dụng ‘lá chắn’ AI
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.
Luật sư Phạm Thanh Thủy cho rằng cơ quan quản lý có thể áp dụng công cụ chặn IP chủ động (Dynamic Site Blocking) hiện đang phát huy hiệu quả tại Anh.
Địa chỉ IP cung cấp danh tính của các thiết bị được kết nối mạng, giúp các thiết bị trên mạng Internet phân biệt và nhận ra nhau, từ đó có thể giao tiếp với nhau. Theo đó, khi một website lậu bị chặn địa chỉ IP lần đầu thì các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) có thể chủ động chặn tiếp các tên miền phát sinh mà không cần thực hiện lại thủ tục hành chính.
Theo luật sư Thủy, bên cạnh các biện pháp đã có như xử lý hành chính, dân sự, hình sự thì cơ quan quản lý cũng cần cập nhật, bổ sung các biện pháp kỹ thuật mới.
“Muốn xử lý dân sự, hình sự thì phải xác định được chủ sở hữu website lậu, phải chứng minh thiệt hại của các đơn vị nắm bản quyền cũng như số tiền thu lợi bất chính mà các doanh nghiệp như Truyền hình K+, BHD… không có đủ thẩm quyền và chức năng để xác minh. Do đó, các vụ kiện bản quyền thường kéo dài và không hiệu quả,” luật sư cho biết.
Chia sẻ giải pháp, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bảo vệ bản quyền, khẳng định đây là “lá chắn” mới, toàn diện hơn.
Đó là công cụ Sigma Active Observer (SAO), sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo tiên tiến để phát hiện và rà soát mọi hoạt động trao đổi dữ liệu trong quá trình phân phối nội dung trên Internet.
Theo đó, SAO đảm bảo nội dung không bị vi phạm bởi các vi phạm biên giới, khai thác VPN (mạng riêng ảo) và giả mạo gói tin; bảo vệ các nội dung độc quyền. Cơ chế phòng thủ thông qua SAO giúp ngăn chặn việc truy cập trái phép, giảm thiểu việc mất doanh thu khi nội dung bị xâm phạm và phát tán miễn phí trên internet.
Ngoài ra, SAO không chỉ bảo vệ, mà còn quan sát và đưa ra cảnh báo trước những mối đe dọa, mang lại sự chủ động cho các nhà cung cấp nội dung.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại phát biểu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phát biểu tại tọa đàm, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức. Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này, qua đó cho thấy, đây là vấn đề đang được các doanh nghiệp sáng tạo, kinh doanh nội dung số hết sức quan tâm.
Theo ông Dũng, các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam tỏ ra rất có trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ bản quyền các sản phẩm công nghiệp văn hóa và tuân thủ các cam kết, quy ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang nỗ lực trong việc sửa đổi văn bản luật và bổ sung quy định liên quan.
Ông Dũng chỉ ra rằng công tác quản lý nội dung trên mạng hiện đang do 3 cơ quan quản lý là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, việc xử lý các kênh vi phạm bản quyền còn tốn nhiều thời gian hành chính.
Ông Dũng cũng cho rằng tốc độ chặn, gỡ các nội dung vi phạm bản quyền cần phải được tăng tốc hơn nữa, bởi nếu xử lý trong khoảng 10-15 phút, khi nội dung đó mới có vài chục lượt xem thì công tác quản lý mới có tác dụng. Nếu kênh vi phạm đã thu được hàng triệu lượt xem thì việc xử lý không còn hiệu quả.
Đề xuất giải pháp, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đinh Tiến Dũng cho rằng các cơ quan cần chia sẻ dữ liệu để phối hợp hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cũng phải nghiêm khắc hơn. Ông Dũng lấy ví dụ mức xử phạt hành chính cao nhất từ trước đến nay là 150 triệu đồng, trong khi đó, một website lậu tường thuật bóng đá, tổ chức cá độ bóng đá trên mạng có thể thu lợi đến hàng tỷ đồng./.
Xem chi tiết tại: https://www.vietnamplus.vn/su-dung-cong-nghe-ai-de-truy-lung-website-vi-pham-ban-quyen/896667.vnp
Phản hồi gần đây