Bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến theo chuẩn quốc tế bằng hệ sinh thái MCM

Bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến theo chuẩn quốc tế bằng hệ sinh thái MCM

Việt Nam nỗ lực thực hiện các cam kết về bảo vệ bản quyền


Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia), đơn vị bảo trợ công nghệ cho MCM Online, cho biết cùng với sự phát triển của công nghệ số thì vấn đề vi phạm bản quyền nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng đã trở thành vấn đề nhức nhối. Do đó, việc ứng dụng công nghệ để quản lý, bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi, bức xúc của các nhạc sĩ, các tác giả.

“Có được bảo vệ bản quyền, minh bạch khi tác phẩm được sử dụng mới đảm bảo quyền lợi kinh tế của nhà sáng tác, từ đó thúc đẩy nền âm nhạc nước nhà phát triển”.

Việc ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet rất phù hợp với xu thế quốc tế. Những năm gần đây, các tổ chức quốc tế đã có những chuyên đề bàn thảo sâu về vai trò sử dụng công nghệ mới vào việc quản lý và bảo vệ các tác phẩm trên môi trường mạng.

Phát biểu tại sự kiện ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), cho biết bảo vệ bản quyền tác giả cũng như tài sản trí tuệ không chỉ là vấn đề trong nước mà còn là những cam kết quốc tế quan trọng. Việt Nam đã là thành viên của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới) hay WTO (Tổ chức thương mại quốc tế), nên vấn đề bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề chúng ta phải quan tâm.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra rất phức tạp, gần như các nhà sản xuất nội dung chưa được bảo vệ tác quyền, gây nhiều vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý. Theo ông Nguyễn Minh Hồng, “Tôi tin rằng Cục Bản quyền tác giả cũng rất đau đầu. Hệ sinh thái MCM ra đời là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi những nỗ lực sử dụng các giải pháp công nghệ hiệu quả để bảo vệ bản quyền âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác”.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). các quốc gia trên thế giới cũng đang bàn thảo về vấn đề bảo vệ bản quyền. Việt Nam đang trong quá trình tham gia vào hai hiệp ước quốc tế của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước WIPO về Trình diễn và Ghi âm (WPPT). Ngày 17/2/2022 vừa qua, Hiệp ước WCT đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Với sự kiện này, Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế, thực thi các cam kết về bảo vệ bản quyền, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số.

Ngoài ra, bà Oanh cho biết Việt Nam cũng đang xem xét để tham gia hiệp ước WPPT. “Đó là những cam kết, nỗ lực của Việt Nam với quốc tế trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Câu chuyện tôn trọng bản quyền, công khai minh bạch là câu chuyện mà những người sáng tác, những nhạc sỹ, nhà sản xuất nội dung đều mong mỏi”.

“Ở khía cạnh cơ quan nhà nước, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn. Quốc hội đang xem xét thông qua sửa đổi một số điều về luật SHTT, trong đó có những vấn đề về bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi hành lang pháp lý đã đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt với sự tham gia các hiệp ước quốc tế, chuyện thực thi luật bản quyền, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền, đặc biệt với sự góp phần của các nền móng công nghệ, sẽ đáp ứng được mong mỏi của các nhà sản xuất nội dung”.

ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông

Đồng quan điểm với bà Oanh, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho biết: “Ngành công nghiệp nội dung số là một lĩnh vực kinh doanh rất lớn, và chúng ta cần có sự thúc đẩy, động lực mới cho thị trường này”.

Theo ông Đồng, bảo vệ bản quyền là một mảnh ghép quan trọng cuối cùng để hoàn chỉnh, đặc biệt là bảo vệ về mặt pháp lý, cho ngành công nghiệp nội dung số. Đối với thị trường âm nhạc, dù phát triển và có nhiều bài hát, nhiều nhạc sỹ tài năng, nhưng “về mặt pháp lý chúng ta lại đang có nhiều lỗ hổng, đặc biệt về mặt bảo vệ bản quyền tác giả”.

Ông Đồng cho biết Hàn Quốc có nền công nghiệp văn hóa âm nhạc rất phát triển, vì ở đó quyền tác giả, các hợp đồng pháp lý được thực hiện rất nghiêm túc. Theo ông, khi hội nhập quốc tế, Việt Nam cần phát triển và có các nghĩa vụ bảo vệ bản quyền tác giả, thực thi hợp đồng chặt chẽ. Công nghệ mang đến một công cụ bảo vệ bản quyền rất mạnh.

Ứng dụng các công nghệ mới để bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến

Đại dịch COVID-19 là một cú hích cho nền công nghiệp âm nhạc và thu âm toàn cầu. Xu thế nghe nhạc trực tuyến đã trở nên phổ biến và thúc đẩy nền âm nhạc tăng trưởng trong thời đại Internet. Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 70% dân số. Thị trường âm nhạc trực tuyến có rất nhiều dư địa để phát triển tại Việt Nam. Quản lý tốt vấn đề bản quyền trên Internet, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc trực tuyến, từ đó mang lại doanh thu lớn cho ngành công nghiệp này.

Làm chủ công nghệ, bảo vệ được bản quyền âm nhạc trực tuyến không chỉ giải quyết được bức xúc của nhạc sỹ ở Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế phát triển của âm nhạc trong kỷ nguyên mới.

Ông Nguyễn Minh Hồng cho biết VDCA rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ bản quyền. Hội đã thành lập Trung tâm bản quyền số, với mục tiêu bảo vệ tác quyền trên môi trường mạng khi tình trạng vi phạm bản quyền trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hết sức trầm trọng. Trung tâm đã đi vào hoạt động, đóng góp và bảo vệ bản quyền nội dung số nhưng chủ yếu tập trung vào các nội dung báo chí, văn học và khai thác bản quyền trên các nền tảng mạng xã hội. Vì vậy, Chủ tịch VDCA hy vọng MCM Online sẽ có các hoạt động phối hợp để cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Đa phương tiện Thủ Đô

Nói về việc ứng dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền nội dung số, ông Nguyễn Ngọc Hân cho biết vấn đề ứng dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền âm nhạc có vẻ đang xa lạ, nhưng lại rất thông dụng với các lĩnh vực nội dung khác, chẳng hạn như phim, truyền hình. Khái niệm DRM (digital right management) rất quen thuộc với các mảng nội dung phim truyện, truyền hình.

Theo thông tin được ông Hân đưa ra, công tác bảo vệ bản quyền cho phim và các nội dung có giá trị lớn trên truyền hình, như giải Ngoại hạng Anh, đã được bảo vệ tốt bằng công nghệ Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng các giải pháp tốt đã được áp dụng này cũng sẽ bảo vệ tốt cho lĩnh vực âm nhạc”, ông Hân nói.

MCM Online sẽ sử dụng hiệu quả công nghệ của mình, nhanh chóng bắt tay với các tổ chức trong nước và quốc tế, hình thành nền âm nhạc trực tuyến theo xu hướng quốc tế, giúp ngành âm nhạc trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp doanh thu xứng đáng cho nền kinh tế đất nước.

Đặc biệt, trong cuộc trao đổi bên lề sự kiện ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia, cho biết hệ sinh thái bảo vệ bản quyền MCM sẽ ứng dụng blockchain vào tính năng hợp đồng thông minh. Đầu tiên, hệ sinh thái MCM sẽ minh bạch số lần đếm mỗi khi tác phẩm được sử dụng qua công nghệ bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking. Trong hợp đồng thông minh, công nghệ blockchain sẽ thông báo ngay lập tức những kết quả này đến tất cả các bên liên quan đến tác phẩm.

Ông Hân cho biết Việt Nam hiện đang ở những bước đầu tiên xây dựng và áp dụng công nghệ cho lĩnh vực bảo vệ bản quyền. “Chúng tôi áp dụng tất cả các tiêu chuẩn quốc tế vào giải pháp của Việt Nam, đưa công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc phát triển theo lộ trình quốc tế”.

“Điều tôi muốn nhấn mạnh về hệ sinh thái MCM là hoàn toàn sử dụng công nghệ và chất xám của người Việt Nam, để xây dựng nên công nghệ cho nước mình. Các giải pháp công nghệ của MCM đã được quốc tế kiểm định và công nhận”.

MCM là hệ thống bảo vệ bản quyền trên Internet đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng bằng hai công nghệ: Bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking.

Công nghệ Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả các bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi tác phẩm được sử dụng và mỗi lần cấp khóa hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm. Việc cấp khóa cho mỗi lần sử dụng, có thể ví như một lần xin phép sử dụng tác phẩm và đó là nền tảng để minh bạch số lần sử dụng tác phẩm trên môi trường Internet. Công nghệ DRM hiện nay đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu để bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực truyền hình hay xuất bản điện tử.

Trong khi đó, công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hay phái sinh 1 tác phẩm âm nhạc, từ đó giúp các tác giả có thể truy vết, dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, hoặc theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm của họ trên môi trường mạng./.

BÁO ĐIỆN TỬ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ĐƯA TIN

Việt Nam cần đẩy mạnh bảo vệ bản quyền âm nhạc bằng chữ ký số

Việt Nam cần đẩy mạnh bảo vệ bản quyền âm nhạc bằng chữ ký số

Vấn nạn vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến

Theo thông tin trên trang observer.com, mới đây, Liên minh những người làm âm nhạc (Music Workers Alliance – MWA), một tổ chức đại diện cho các nhạc sĩ, DJ và kỹ sư âm thanh độc lập, đã phát động một chiến dịch bảo vệ công lý cho nền âm nhạc phát trực tuyến. Liên minh vận động các nhà làm luật thay đổi những điều khoản cho phép các công ty như Google và YouTube kiếm hàng tỷ USD từ việc vi phạm bản quyền hàng loạt bài hát, bản nhạc; và cho phép các dịch vụ phát trực tuyến như Spotify trả mức thù lao xứng đáng cho các nhạc sĩ.

“Vi phạm bản quyền hàng loạt làm giảm giá trị tất cả các tác phẩm âm nhạc và tạo ra một thị trường chợ đen rộng lớn”, Ben Brock, tay trống và là thành thành viên MWA cho biết tại cuộc biểu tình khởi động chiến dịch của MWA hồi tháng 2 được observer.com dẫn lời.

Các thành viên MWA đã lên tiếng về việc vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến. Họ mô tả cách một album, sau khi được phát hành, xuất hiện trên YouTube, nơi mọi người có thể nghe miễn phí. Ngay cả khi bản nhạc không có trên YouTube, thu nhập của nhạc sỹ vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến diễn ra khắp nơi trên Internet, hoặc mức thù lao rẻ rúng mà các nền tảng trả cho các nhạc sỹ.

Do tình trạng vi phạm bản quyền quá tràn lan như vậy, nên âm nhạc, đang bị đối xử như thông tin, nghĩa là đòi hỏi phải được sử dụng miễn phí. MWA cho rằng đây là một hệ tư tưởng tạo ra hàng tỷ USD cho những nền tảng công nghệ nhưng lại làm giảm số lượng những người sáng tạo nội dung.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trực tuyến cũng đáng báo động. Tại một sự kiện giới thiệu nền tảng bảo vệ bản quyền âm nhạc MCM gần đây, nhạc sỹ Xuân Phương đã bày tỏ: “Thời gian gần đây các vụ vi phạm bản quyền âm nhạc trên mạng ngày càng gia tăng, gây bức xúc lớn với giới nhạc sỹ, tổn hại đến sự nghiệp sáng tác, lao động nghệ thuật của chúng tôi”.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết trong thời đại công nghệ số phát triển, khi công nghệ phát triển từng giờ từng phút, vấn đề bảo vệ bản quyền trở thành vấn đề nhức nhối.

Bà Oanh nhận định câu chuyện vi phạm bản quyền trong lĩnh vực số không chỉ có ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Khi các tác phẩm được đưa lên khai thác trên Internet, chỉ một cú nhấp (click) chuột tác phẩm đã đến được với công chúng. Chính vì sự thuận tiện này trong môi trường số, các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với công chúng nhanh chóng rộng rãi hơn. Nhưng sự thuận tiện của công nghệ cũng khiến nạn vi phạm bản quyền lan rộng.

“Nếu chúng ta bảo vệ được bản quyền các tác phẩm, thì mới có thể khuyến khích các tác giả đầu tư sáng tác. Trong môi trường số, không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số”, bà Oanh nhấn mạnh.

Ngày 22/2/2022 vừa qua, nền tảng bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM chính thức ra đời. Buổi ra mắt đã thu hút sự chú ý của đông đảo các nghệ sỹ, hầu hết đều là nạn nhân của nạn vi phạm bản quyền, đều có những tác phẩm bị đưa ra sử dụng, thương mại hóa mà không hề được xin phép bản quyền, chưa nói đến việc trả tiền bản quyền. Vì vậy, các nghệ sỹ đều đặt niềm tin vào một giải pháp công nghệ giúp bảo vệ tác phẩm.

CKS giúp bảo vệ bản quyền âm nhạc bằng cách nào?

Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia), đơn vị bảo trợ công nghệ cho MCM Online, cho biết giải pháp bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến của MCM có điểm mạnh nằm ở công nghệ. MCM tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về bảo vệ bản quyền. Trong mỗi giải pháp có các bí quyết riêng và giải pháp của MCM đã được các tổ chức quốc tế công nhận đạt chuẩn.

Ông Hân chia sẻ: “MCM chứa đựng nhiều hy vọng của chúng tôi. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một nền tảng bảo vệ bản quyền theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế vào cho lĩnh vực bản quyền. Thứ hai, chúng tôi đang nhìn thị trường sử dụng bản quyền âm nhạc theo một chiều hướng mới, đó là người dùng có xu thế sử dụng âm nhạc trực tuyến đang tăng mạnh, và vì thế cần có một nền tảng cung cấp âm nhạc trực tuyến – nền tảng này không chỉ giúp các nhạc sỹ, nhà sản xuất trong nước có thể cung cấp âm nhạc, mà khi chúng ta xây dựng một nền tảng tiêu chuẩn quốc tế, thì các đơn vị âm nhạc quốc tế cũng yên tâm khi cung cấp nhạc vào thị trường Việt Nam”.

Theo thống kê, tiêu dùng âm nhạc trên nền tảng số mỗi năm đều tăng 2 con số, điều đó cho thấy âm nhạc trực tuyến đang có nhiều dư địa phát triển. Trong khi đó, những nội dung số như âm nhạc trực tuyến là những sản phẩm vô hình, chúng ta không thể nhìn bằng mắt. Ví dụ có một tệp (file) nhạc mp3, khi chuyển file nhạc đó cho một đơn vị A và rồi lại chuyển file đó cho đơn vị B, không ai nhìn thấy “sự chuyển giao qua lại” này. Vì vậy, để phân biệt được, khi chuyển cho đơn vị thứ nhất, tác phẩm phải được “ký một CKS”, và cũng tác phẩm đó khi chuyển cho đơn vị hai, tác phẩm sẽ có “CKS thứ hai”.

Dựa trên cơ chế công nghệ đó, một nền tảng mạng xã hội, ví dụ như TikTok, khi họ dùng tác phẩm, dù chỉ một giây, nhưng đã có CKS và từ đó sẽ truy vết được đoạn nhạc đó được đơn vị nào sử dụng.

Theo ông Hân, MCM xử lý vấn đề từ gốc trước. Nếu tất cả nhạc sỹ, ca sỹ, nhà sản xuất âm nhạc đều thực hiện bảo vệ bản quyền tác phẩm, thực hiện CKS, khi đó tất cả tác phẩm trên Internet sẽ được định hình, không còn là “sản phẩm vô hình” nữa.

MCM hiện đang cung cấp công cụ CKS miễn phí. Các đơn vị có tác phẩm chỉ việc tải tác phẩm lên hệ thống và lưu lại, sản phẩm đầu ra đã chứa CKS. Trong công tác phân phối tác phẩm, các bên sẽ dùng sản phẩm đã có CKS.

“Và như vậy, chúng ta sẽ phát triển được những gì chúng ta bảo vệ, phát triển được những tác phẩm đã có CKS, dần dần công tác bảo vệ sẽ lan ra, và giúp phần lớn các tác phẩm âm nhạc trên môi trường Internet được định danh”, ông Hân chia sẻ.

Công nghệ sử dụng CKS là công nghệ chèn mã vào trong các phổ nhạc, việc chèn mã liên tục sẽ bảo vệ toàn bộ tác phẩm. Những đơn vị muốn sử dụng tác phẩm phải có “chìa khóa” để giải mã, dù họ chỉ sử dụng một đoạn nhạc ngắn, do phần mềm loại bỏ nhiễu không thể loại bỏ toàn bộ những mã chèn này. Thứ hai, trong suốt bản nhạc, CKS cũng được đóng liên tục, nên nếu cắt một đoạn nhạc nhỏ ra, đoạn nhạc đó vẫn bao gồm CKS.

Hiện nay ở Việt Nam, việc bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet vẫn chưa được đơn vị nào áp dụng công nghệ CKS, như vậy, để bảo vệ tác phẩm. MCM đời giống như một miếng ghép, ghép vào công tác bảo vệ, phân phối âm nhạc truyền thống. Ông Hân cho biết trong tương lai, với công nghệ bảo vệ bản quyền như vậy, MCM sẽ xây dựng những kho nhạc có bản quyền, bảo vệ bản quyền cho các đơn vị, tổ chức.

“Bằng giải pháp này, chúng tôi có thể hợp tác với tất cả các bên có nhu cầu bảo vệ bản quyền. Đó vừa như một miếng ghép nhưng lại có tính tương hỗ, tạo thành bức tranh tổng thể trong việc sử dụng bản quyền âm nhạc Việt. Và từ đó, việc sử dụng bản quyền âm nhạc số sẽ đi vào nề nếp”, CEO Thủ đô Multimedia nói./.

BÁO ĐIỆN TỬ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG ICT

Nhà xuất bản ảo “mọc lên như nấm”: Tác giả loay hoay tìm giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên mạng

Nhà xuất bản ảo “mọc lên như nấm”: Tác giả loay hoay tìm giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên mạng

Bùng nổ nạn sách giả trên mạng Internet

Sách và các tác phẩm văn học hiện được phân phối trên thị trường dưới hai hình thức sách giấy truyền thống và sách điện tử. Hiện sách giấy vẫn chiếm phần lớn thị phần của thị trường sách nhờ trải nghiệm chân thật, sự tập trung, gần gũi và mùi thơm của giấy. Sự xuất hiện của sách điện tử (dưới định dạng ebook, sách nói…) là tất yếu đi cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Sự ra đời của các thiết bị và phần mềm đọc sách như Kindle, Sony Reader, Nook… khiến người đọc ngày càng có xu hướng chuyển dịch sự lựa chọn của mình sang sách điện tử.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), kết thúc năm 2019, ngành xuất bản Việt Nam đã xuất bản 33.000 cuốn sách với 400 triệu bản, tổng doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Trong đó, xuất bản phẩm điện tử đạt trên 2.400 cuốn với 1,5 triệu lượt truy cập, tăng 25 lần về số cuốn, 5 lần về lượt truy cập so với năm 2018.

Sách điện tử ngày càng phổ biến

Ngay từ khi mới xuất hiện, sách điện tử đã được đón nhận nồng nhiệt và trở thành phương thức tiếp cận tri thức không thể thiếu bởi những lợi ích: Mang theo bất cứ đâu, số lượng kho sách khổng lồ, trọng lượng nhẹ, không hỏng, hay đánh mất… Dù vô cùng tiềm năng và đi đúng theo xu hướng của thế giới nhưng thị trường sách điện tử Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản khiến nó chưa thể phát triển mạnh mẽ. Một trong những rào cản lớn nhất vấn nạn sách lậu tràn lan cả ở các hiệu sách truyền thống, cũng như trên môi trường mạng.

Vấn nạn xâm phạm tác quyền tại Việt Nam diễn ra ngang nhiên, phổ biến và nghiêm trọng. Một số cá nhân, tổ chức tự in sách của các nhà xuất bản (NXB) chính thống chuyển thành phiên bản ebook và đưa lên mạng chia sẻ miễn phí, thậm chí là chào bán có thu phí. Vấn nạn vi phạm bản quyền sách trên mạng đã bị phát hiện từ nhiều năm nay. Cụ thể, năm 2016, Cục An ninh Văn hóa Thông tin và Truyền thông (Bộ Công an) cho biết, trên mạng có khoảng 10 NXB “ảo” chuyên phát hành, ngang nhiên công khai chào bán ebook. Theo các quy định của pháp luật, các NXB này đang phạm pháp.

Sách điện tử ngày càng được ưa chuộng so với sách giấy

Trên thế giới, tháng 9/2009, CNN đưa tin, cuốn sách The Lost Symbol (Biểu Tượng Thất Truyền) của tác giả Dan Brown ra mắt tại Mỹ dưới định dạng điện tử trên trang Amazon. Số lượt mua sách tăng chóng mặt và mở ra kỳ vọng mới vào thị trường sách điện tử. Nhưng chỉ trong vài ngày, các bản lậu miễn phí xuất hiện tràn lan trên các trang Rapidshare hay BitTorrent với hơn 100.000 lượt tải xuống. Vi phạm bản quyền số, trước đây giới hạn trong ngành âm nhạc và điện ảnh, nay lan sang ngành xuất bản sách.

Dù biết sản phẩm của mình có thể dễ dàng sao chép nhưng các NXB vẫn chấp nhận hoạt động này và mở rộng ấn bản điện tử bởi đây là xu hướng chung và doanh thu quá hấp dẫn. Amazon cho biết, người sử dụng Kindle mua sách trung bình nhiều hơn 3,1 lần các khách hàng mua sách truyền thống. Tại Việt Nam, nếu đạt 20% thị phần, doanh thu sách điện tử của ngành xuất bản được kỳ vọng cán mốc 1.000 tỷ đồng trong tương lai gần.

Các NXB phải dùng giải pháp công nghệ để bảo vệ mình

Các nhà xuất bản “ảo” mọc lên như “nấm sau mưa” và ngang nhiên vi phạm pháp luật. Thế nhưng đối phó với những NXB “ảo” này không hề dễ. Đánh sập NXB “ảo” này thì các NXB “ảo” khác lại mọc lên. Đại diện một NXB chính thống từng chia sẻ, do bị sao chép, làm giả nhiều ebook nên NXB này có thời điểm phải “đại hạ giá” ebook còn 5.000-10.000 đồng/bản, thậm chí 1.000 đồng/bản và chấp nhận bù lỗ.

Với sách giấy, theo Nghị định 159/2013 quy định hành vi in lậu, in giả từ 300 bản trở lên sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Với chế tài còn nhẹ nhàng như vậy, các đơn vị sách giả có thể thoả sức tung hoành bởi “cùng lắm” bị phạt 30 triệu đồng.

Các NXB chỉ còn biết tích cực tuyên truyền, trông chờ vào ý thức của độc giả, nhưng thực ra việc chờ người dùng có ý thức là điều không hiệu quả trong phòng chống vi phạm bản quyền.

Các NXB gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền sách

Nhờ sự phát triển của công nghệ, Việt Nam hiện đã có giải pháp giúp các nhà xuất bản chủ động bảo vệ mình trước vấn nạn vi phạm bản quyền sách điện tử. Công ty Cổ phần Truyền thông Đa phương tiện Thủ Đô (Thudo Multimedia) là công ty công nghệ đi tiên phong phát triển giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số đạt chuẩn toàn cầu (với tên thương mại là Sigma Multi-DRM).

Sigma Multi-DRM là giải pháp bảo vệ bản quyền Make in Vietnam được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020. Sigma Multi-DRM đã vượt qua những bài kiểm định gắt gao của Cartesian – tổ chức uy tín hàng đầu thế giới, tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu bảo mật của các nhà sản xuất nội dung lớn, giảm thiểu rủi ro về vấn nạn ăn cắp bản quyền nội dung trên mạng.

Về giải pháp ngăn chặn vấn nạn xâm phạm bản quyền trên môi trường mạng, ông Nguyễn Ngọc Hân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Đa phương tiện Thủ Đô chia sẻ: “Về bản chất, Sigma Multi-DRM thay thế khả năng kiểm soát bản quyền vốn đã rất thụ động và kém hiệu quả từ chính người chủ sở hữu nội dung kỹ thuật số và đặt nội dung kỹ thuật số đó dưới sự kiểm soát của một chương trình máy tính.”

Sơ đồ giản lược cách thức sản phẩm Sigma Multi-DRM bảo vệ bản quyền nội dung số

Với giải pháp Sigma Multi-DRM, máy chủ thư viện sách điện tử sẽ mã hoá nội dung, hạn chế quyền truy cập, sao chép và in tài liệu của người dùng dựa trên các ràng buộc do người giữ bản quyền của nội dung đặt ra.

Như vậy, các nhà xuất bản có thể yên tâm những sản phẩm trí tuệ của cả một tập thể được an toàn dưới sự dòm ngó của đơn vị phân phối sách lậu.