Nội dung số là “Mỏ vàng mới”

Vào năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch 10 năm về chuyển đổi kỹ thuật số trên diện rộng của đất nước, với kế hoạch đầy tham vọng là có được 10 kỳ lân khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

Với mục tiêu kết hợp ít nhất 10% việc áp dụng kỹ thuật số trên tất cả các lĩnh vực và tỷ lệ ứng dụng Internet là 80% cho tất cả các hộ gia đình, kế hoạch này dường như đang đi đúng hướng.

Các ước tính của Google, Temasek và Bain&Co dự đoán rằng khu vực Việt Nam có thể tăng trưởng lên 52 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 1/6 trong số 300 tỷ USD của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á. Sự phát triển của kinh tế số của Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp.

Các cơ hội này bao gồm các dịch vụ thương mại điện tử, tài chính kỹ thuật số, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ hỗ trợ công nghệ để thúc đẩy tiến trình Công nghiệp 4.0 (IR 4.0). Cũng giống như các nước ASEAN khác, phần lớn người dân Việt Nam vẫn đang còn ít tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, khiến các dịch vụ tài chính kỹ thuật số trở thành một lựa chọn rất hấp dẫn cho các khoản vay và thanh toán.

Trong đó, ngành Nội dung số đang được đánh giá là một “mỏ vàng mới” hình thành một ngành công nghiệp mới có quy mô nhiều tỷ USD tại Việt Nam. Từ mức chỉ đạt 3.000-4.000 tỉ đồng cách đây 10 năm, đến nay ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam đã có doanh số chục ngàn tỉ đồng. Doanh nghiệp trong nước đang bắt kịp làn sóng này và hướng tầm nhìn ra thế giới.

Tính riêng trong cộng đồng ASEAN với hơn 400 triệu người, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỉ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỉ USD và lên tới 55-65 tỉ USD cho các dịch vụ nội dung số.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh thiết bị và hạ tầng mạng ngày càng phát triển, dân số trẻ, số người dùng smartphone ngày càng tăng, hạ tầng Internet và băng rộng ngày càng phát triển, tuy tỉ trọng doanh thu của công nghiệp nội dung số trong toàn ngành công nghệ thông tin chưa đạt được 10% nhưng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã xác định, nội dung số là thị trường đầy tiềm năng, sẽ bùng nổ. Trong 5-10 năm tới, ngành nội dung số phát triển được dự báo chỉ sau du lịch, vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế mang lại cho Việt Nam và ước chừng có một triệu lao động.

Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN với 92% người xem video trực tuyến mỗi tuần, kế đến là Philippines với 85%, Indonesia với 81%. Trong vòng 4 năm, tỉ lệ xem video trực tuyến trên smartphone đã tăng từ 10% lên 64%. Có đến 97% người Việt Nam được phỏng vấn nói rằng họ dùng dịch vụ “video theo yêu cầu” để xem phim, 90% xem chương trình giải trí, 89% xem tin tức từ các kênh địa phương, 87% xem ca nhạc, 84% xem phim nước ngoài.

Giá trị của bản quyền để thúc đẩy ngành nội dung số

Internet đã trở thành một nền tảng quan trọng để cung cấp nội dung kỹ thuật số như phim ảnh, âm nhạc, sách, tin tức và phần mềm. Quan trọng nhất, phạm vi tiếp cận toàn cầu của Internet cho phép nội dung được gửi gần như ngay lập tức đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Điều này có nghĩa là nhiều rào cản hạn chế trong trao đổi các sản phẩm nội dung vật lý (ví dụ: vận chuyển tốn kém, thuế nhập khẩu) được giảm đáng kể hoặc loại bỏ đối với sản phẩm nội dung số. Thể hiện trên cũng giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của bản quyền như một cơ chế khuyến khích cho việc tạo và phổ biến nội dung số.

Nội dung số đang nở rộ trên Internet theo một loạt các chỉ số tăng trưởng. Tính đến năm 2016, tại châu Âu, giá trị của ngành sở hữu trí tuệ đã chiếm 48% GDP, chiếm 29,2% việc làm trực tiếp của toàn khối (trong đó việc làm của công dân trong khối là: 12,9%; và của các công ty nước ngoài tại châu Âu là: 9,8%)

Cisco đã ước tính rằng tất cả các dạng video (ví dụ: TV, video theo yêu cầu, Internet và P2P) sẽ chiếm khoảng 90% tổng lưu lượng truy cập Internet của người tiêu dùng vào năm 2021 (Cisco, 2018). Một ví dụ khác là sự tăng trưởng nhanh chóng gần đây của các trang web cho phép người dùng tải lên và chia sẻ nội dung trên Internet. Ước tính, riêng trang web chia sẻ ảnh Flickr, năm 2013, đã đạt trung bình 1,6 triệu ảnh được tải lên hàng ngày.

Đồng nghĩa với sự phát triển mạnh mẽ của nội dung số trên nền tảng Internet, cũng có một phần đáng kể lưu lượng truy cập là vi phạm bản quyền, mặc dù thực tế là phần lớn các tác phẩm phổ biến cũng đều có quy định hoặc các công bố về bản quyền. Nhưng các đối tượng sử dụng thường tìm cách để vi phạm, hoặc đôi khi, trong rất nhiều trường hợp, người mua sản phẩm nội dung số cũng không biết được sản phẩm của mình đang mua là hàng giả (vì chất lượng sản phẩm hoàn toàn tương đương nhau).

Giải pháp kỹ thuật tự bảo vệ tài sản số trước sự phát triển của công nghệ

Điều này dẫn đến việc, ngoài các chế tài hiện đang có đang được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ (50/2005/QH11 ngày 29/11/2005), song các quy định trong Luật hiện đang không sát với các sản phẩm nội dung số được phân phối trên nền tảng Internet. Do đó, cần có các quy định pháp luật cho việc sử dụng các giải pháp bảo vệ bản quyền như DRM (Digital Rights Managements) hoặc Fingerprint Online (cho phép phát hiện ra nguồn phát tán tín hiệu), hoặc HDCP (cho phép chặn hoặc hạn chế các thiết bị không đủ tiêu chuẩn phần cứng tiếp cận nội dung)…

Các giải pháp kỹ thuật trên ra đời, giúp cho sản phẩm nội dung số được tự bảo vệ về bản quyền trước sự phát triển của công nghệ. Bởi, với tính năng không biên giới và dễ dàng sao chép, việc áp dụng các luật hoặc hàng rào luật pháp dường như là không đủ và đôi khi, không thể phát hiện ra được chính xác nguồn gốc phát tán ở một khu vực địa lý cụ thể để áp dụng luật. Trên thực tế, ở nước nào, có quy định pháp luật về áp dụng chặt chẽ các giải pháp công nghệ có bản quyền, thì nước đó nạn vi phạm bản quyền nội dung số được giảm thiểu, và đem lại sự tăng trưởng GDP tốt, cũng như tỷ lệ người làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo được phát triển.

Giá trị gia tăng và việc làm trong ngành công nghiệp có bản quyền tại một số nước châu Âu (năm 2010) – cứ 100 người thì có 7 người làm trong lĩnh vực nội dung số

Với các lập luận trên, ở nhiều nước trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được sâu sắc và thấy cần phải tiếp tục thúc đẩy việc tạo và phổ biến nội dung số. Đồng thời tuyên bố chính sách sao chép hiệu quả (bao gồm cả việc thực thi) là trung tâm cho sự thành công của việc phát triển nền kinh tế số trong kỷ nguyên Internet. Bởi có thúc đẩy được sáng tạo, mới thúc đẩy được văn hóa, giáo dục – hai nền tảng quan trọng nhất trong kỷ nguyên hiện nay.

Tuyên bố OECD Seoul năm 2008 về tương lai của nền kinh tế Internet (OECD, 2008) và Khuyến nghị của Hội đồng OECD năm 2011 về các nguyên tắc cho chính sách Internet cũng nhấn mạnh rằng: “Bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Internet, (OECD, 2011)”.

Trong khi phạm vi tiếp cận toàn cầu của Internet đã khiến thị trường tiềm năng cho nội dung số trở nên rất lớn, cũng có nhiều cuộc tranh luận về việc liệu các luật và quy định hiện hành có đối phó tốt với sự phát triển công nghệ nhanh chóng hay không? Tuy nhiên, phấn lớn các nhận thức vĩ mô đều đồng thuận rằng: Khi thị trường cho nội dung số đã phát triển, thì tầm quan trọng của việc thực hiện các chính sách bản quyền hợp lý, các quy định về áp dụng các biện pháp bảo vệ bản quyền là việc thực sự quan trọng và cần thiết. Đi kèm với đó, là nghiên cứu, đề xuất các phát minh nhằm chống lại sự vi phạm bản quyền.

Nguyễn Ngọc Hân (CEO Thudo Multimedia)